Bài hát của Lâm Thanh Bình

Cảm âm, hợp âm, tabs những bài hát của nghệ sĩ Lâm Thanh Bình

Lâm Thanh Bình

Lâm Thanh Bình
a few seconds ago0 Views 0 Bài hát

Nếu như Ninh Thuận có A Mư Nhân, nhạc sĩ rất nổi tiếng với những sáng tác về người Chăm vùng Ninh Thuận, Bình Thuận thì ở An Giang, một vùng đất ở phía Tây Nam tổ quốc cũng có một nhạc sĩ mà tên tuổi ông được giới làm nghệ thuật tỉnh nhà  gọi là “Người Nhạc sĩ của làng Chăm” với những ca khúc như: “Roya yêu thương; Vầng Trăng,Trái táo, Chia xa” (trong tổ khúc Karim và Nirusa )… Đó chính  là nhạc sĩ Thanh Bình, một người con của quê hương An Phú, An Giang.Không phải tự nhiên mà giới “làm nghề” lại gọi anh là “Nhạc sĩ của làng Chăm An Giang”, tất cả được bắt đầu vào những năm đầu thập niên 80 thế kỷ trước. anh tên thật là Lâm Thanh Bình, sinh ra và lớn lên tại huyện An Phú, một huyện biên giới, đầu nguồn của tỉnh An Giang. Anh bắt đầu tham gia công tác vào năm 1976 với chức danh là cán bộ Phòng văn hóa thông tin huyện Phú Châu. Đầu năm 1980, được sự chỉ đạo của lãnh đạo anh được giao nhiệm vụ vận động phong trào văn nghệ quần chúng trong đồng bào dân tộc Chăm. Với tinh thần và bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, chàng thanh niên Lâm Thanh Bình đã rong ruổi khắp các xóm Chăm. Lúc đó anh là cán bộ người Kinh duy nhất mạnh dạn cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào.

Bằng sự nhiệt tình ấy, dần dần anh tạo được tình cảm với đồng bào Chăm nơi anh đến, sự gần gũi, sẻ chia, thấu hiểu giữa anh và bà con ở đây đã tạo thành một nhịp cầu vô hình gắn kết anh với cộng đồng người Chăm từ lúc nào, họ rất yêu thương và tin tưởng anh, dạy viết, dạy nói tiếng Chăm. Với cái khiếu ăn nói có duyên cộng thêm sự chân tình trong cư xử, dần dần bà con ở đây đã được anh thuyết phục. Và thế là Đội văn nghệ đầu tiên trong cộng đồng người Chăm đã được thành lập ở xã Châu Phong. Anh nói :”Đội văn nghệ được thành lập trong cộng đồng dân tộc Chăm là một điều hết sức vui mừng, nhưng nhìn lại văn nghệ mà toàn là nam thì như vườn mà không có hoa vậy, từ trăn trở đó tôi quyết định phải tìm nữ cho đội văn nghệ dân tộc Chăm”.

Nói thì dễ nhưng làm lại là chuyện rất khó vì hồi ấy phụ nữ Chăm chịu tập tục “cấm cung”. (từ tuổi dậy thì đến khi lấy chồng chỉ được sinh hoạt trong phòng cấm cung, trong nhà, không được tiếp xúc với bên ngoài). Ấy vậy mà, bằng lòng nhiệt huyết, cái máu nghệ sĩ cùng với cái tâm của một người cán bộ văn hóa, chàng nhạc sĩ người Kinh dần dần thuyết phục được mọi người, loại bỏ dần những suy nghĩ lạc hậu. Đúng 3 năm sau (1982), sự cố gắng của anh chàng nhạc sĩ người Kinh đã được đền đáp.

Đội văn nghệ dân tộc Chăm ở xã Châu Phong huyện Phú Châu lần đầu tiên  biểu diễn trên sân khấu Hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn huyện có sự xuất hiện của 5 cô gái Chăm. Đây được xem là “một cuộc cách mạng” đã giải phóng người thiếu nữ Chăm thoát khỏi sự ràng buộc phải chịu đựng suốt hàng trăm năm qua. Và bắt đầu từ đây, mô hình của đội văn nghệ dân tộc Chăm được nhân rộng ra khắp các xóm Chăm trong tỉnh, ngày càng có nhiều gia đình cho cô gái Chăm khỏi phải “cấm cung’ để tham gia phong trào văn nghệ. Phong trào ngày càng phát triển mạnh và đã gây tiếng vang trong toàn tỉnh.

Lúc đó, Nhạc sĩ Lâm Thanh Bình vừa sáng tác, tập, dàn dựng chương trình cho Đội văn nghệ dân tộc Chăm xã Châu Phong đi biểu diễn, đi tham dự Hội diễn NTQC toàn tỉnh, Hội diễn NTQC Quân khu 9…, vừa dành thời gian cùng các chú các cô đại diện mặt trận, đoàn thể xã Châu Phong, ấp Phum Soài hàng đêm đi họp tổ thập gia để tuyên truyền với đồng bào Chăm về lợi ích của việc xây dựng phong trào văn nghệ quần chúng, vận động để bà con cho cô gái Chăm được tham gia phong trào văn nghệ, được đi học, được tham gia các hoạt động xã hội, thực hiện nam nữ bình đẳng…Chính nhờ kết quả của công tác phát triển phong trào văn nghệ trong đồng bào Chăm cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền mà những năm sau này, đồng bào Chăm ở An Giang đã bỏ hẳn tập tục “cấm cung” lạc hậu. Số phận  người phụ nữ Chăm từ đó bước sang một trang mới, họ được tự do tham gia các hoạt động xã hội, bắt đầu hình thành sự bình đẳng về vai trò và vị thế của người phụ nữ so với nam giới trong cộng đồng người Chăm ở An Giang. Với thành quả đó, đồng bào Chăm An Giang đã trân trọng và ghi nhận công lao của nhạc sĩ Lâm Thanh Bình.

Và với niềm đam mê sáng tác, chàng nhạc sĩ người Kinh bắt đầu viết ca khúc, nhạc phẩm đầu tay viết về làng Chăm là bài “Cô gái Chăm trên quê hương An Giang” ra đời mang âm hưởng dân ca Chăm với giai điệu mượt mà tha thiết. Lúc bấy giờ, ca khúc này đã đoạt ngay giải A hội diễn nghệ thuật quần chúng của huyện Phú Châu lần đầu tiên và giải A trong hội diễn nghệ thuật quần chúng tỉnh An Giang và sau đó là giải A Hội diễn nghệ thuật quần chúng Quân khu 9. Bắt đầu từ đó, những sáng tác của anh viết về đồng bào Chăm lần lượt ra đời. Đặc biệt, ca khúc “Roya yêu thương” được các Sở, các ngành trong tỉnh An Giang, Cần Thơ dàn dựng, tham gia thi diễn ở các hội thi cấp khu vực, toàn quốc và đã đoạt hơn 10 huy chương vàng cấp toàn quốc.

Được ca sĩ Mỹ Hạnh – Trường Đại học An Giang hát trong Cuộc thi Tiếng hát Sao Mai đạt điểm cao nhất ở vòng thi miền Nam. Riêng ca khúc “Trái táo” (trong tổ khúc “Karim và Nurisa”) đã  được chọn làm bài hát tham dự Liên hoan thông tin lưu động toàn quốc năm 2011 tổ chức tại Tuyên Quang, bài hát này cũng đạt nhiều giải thưởng cao trong các cuộc hội diễn ở các cấp. Rất nhiều tác phẩm của nhạc sĩ Lâm Thanh Bình đã được phổ biến rộng rãi trong phong trào văn nghệ của sinh viên các trường Đại học An Giang, Đại học Cần Thơ, đài truyền hình Việt Nam, Tp. Hồ Chí Minh, Cần Thơ… Đặc biệt, tổ khúc “Ka Rim và Nurisa” đã được Trung tâm truyền hình Việt Nam tại Cần Thơ xây dựng thành phim ca nhạc ” Khăn Matơra của em” để tham dự liên hoan phim truyền hình toàn quốc và đạt huy chương vàng. Phim ca nhạc này được rất nhiều tỉnh, thành sử dụng. Tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng tỉnh An Giang năm 2009, nhạc sĩ Lâm Thanh Bình lại được nhận một giải thưởng vinh dự khác là nhạc sĩ có ca khúc được nhiều Đoàn sử dụng nhất.

Hiện anh là trưởng Ban tuyên giáo Huyện ủy An Phú, hơn 30 năm cống hiến cho sự nghiệp Cách mạng, công tác văn hóa đúng 20 năm. Bằng thực tiễn đi sâu, đi sát quần chúng nhân nên lúc huyện An Phú vừa được tách ra khỏi huyện Phú Châu năm 1992, anh đã mạnh dạn đề xuất với Huyện uỷ, ủy ban tổ chức Ngày hội Văn hóa Thể thao huyện An Phú và đây là tiền thân của Ngày hội Văn hoá Thể thao truyền thống huyện An Phú sau này. Được hỏi vì sao anh lại táo bạo đưa ra đề xuất này khi huyện nhà vừa “chân ướt chân ráo”  mới tách ra từ huyện Phú Châu, anh nói: “Huyện An Phú lúc mới tái lập, nghèo lắm, nghèo mà còn buồn nữa, nghèo cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần, mà đặc biệt là đời sống tinh thần.

Trước những thực tế mà tôi phải chứng kiến, trong đầu nảy ra một ý tưởng tại sao mình không tổ chức một cái gì đó để bà con huyện nhà vui chơi giải trí, tạo một sinh khí mới để bà con huyệnnhà vui vẻ phấn khởi, đoàn kết để cùng  với Đảng bộ và chính  quyền địa phương  thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị đưa quê hương An Phú thoát khỏi cảnh nghèo nàn lạc hậu. Thế là tôi quyết định đề xuất với Huyện uỷ và UBND huyện về việc tổ chức Ngày hội Văn hoá thể thao huyện An Phú”. Ngày hội được tổ chức, bà con ở đây hưởng ứng hết sức nhiệt tình, đây là một loại hình mới lại rất đa dạng về hình thức lẫn nội dung vừa có văn nghệ vừa có thể thao. Được sự đồng thuận cao từ quần chúngnhân dân, Ban Thường vụ Huyện ủy, ban Chấp hành Huyện uỷ thống nhất nâng lên thành Ngày hội Văn hoá thể thao truyền thống huyện An Phú. Giờ đây, ngày hội này đã trở thành Ngày hội đoàn kết của Đảng bộ và nhân dân An Phú,của các dân tộc Kinh – Chăm – Hoa.

Người ta còn biết đến Lâm Thanh Bình với vai trò là người viết kịch bản và làm tổng đạo diễn cho các lễ hội của huyện. Trước đây anh đã làm tổng đạo diễn Lễ hội Tân Châu – 250 năm được nhiều người khen ngợi. Đặc biệt, anh đã sáng tạo và làm tổng đạo diễn Chương trình Nghệ thuật Sân khấu Nước diễn ra hàng năm ở Liên hoan văn hóa Mùa Nước Nổi Búng Bình Thiên quê anh một chương trình mà cả nước chưa có, toàn chương trình diễn viên chỉ diễn trên xuồng ghe, tái hiện các sinh hoạt văn hóa dân gian của người dân vùng sông nước

Với những thành tích đó nhưng nhạc sĩ Lâm Thanh Bình vẫn không ngừng học hỏi để tạo nên cái mới, hoàn thiện những gì mình đã gầy dựng, cùng chung tay với cộng đồng cả 3 dân tộc để xây dựng huyện An Phú ngày một tươi sáng hơn, ngày một giàu đẹp hơn.

Trước những đóng góp của anh đối với nền âm nhạc, đặc biệt là âm nhạc cho dân tộc Chăm An Giang. Cuối năm 2010, Hội nhạc sĩ Việt Nam đã chính  thức kết nạp anh vào Hội. Với hơn 40 nhạc phẩm, trong đó có khoảng 10 ca khúc viết về đồng bào Chăm, Lâm Thanh Bình đã trở thành “Nhạc sĩ có nhiều ca khúc về đồng bào Chăm An Giang nhất.”

Khi được hỏi: “Anh vừa là Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy, vừa là nhạc sĩ thì trong hoạt động có gì khó khăn không?”. Anh nhẹ nhàng nói: “Trong người của mình luôn tồn tại hai cái đó và nó luôn hỗ trợ cho nhau để hoàn thành nhiệm vụ”.

 

Tạp chí Âm nhạc của Hội nhạc sĩ Việt Nam