Bài hát của Tạ Tấn
Cảm âm, hợp âm, tabs những bài hát của nghệ sĩ Tạ Tấn
Tạ Tấn
Nhạc sĩ Tạ Tấn sinh 25-1-1925, tên thật là Tạ Duy Thái, quê xã Đồng Nhân, huyện Hoài Đức, Hà Tây, được Nhà nước tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 1990, Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục năm 1995.
Sinh trưởng trong một gia đình buôn bán nhỏ tại Hà Nội, bố là Tạ Duy cát, chủ hiệu tạp hoá, mẹ chuyên sản xuất và buôn bán hương vòng, nên ngay từ bé Tạ Tấn đã thông thạo công việc kinh doanh. Năm 1940, khi mới lên mười lăm tuổi ông vào đất Sài Gòn, nơi được mệnh danh là “Hòn ngọc viễn Đông” để chạy hàng hóa ra Hà Nội. Tại đất Sài Gòn hoa lệ, ông may mắn gặp Ykope, một thương gia Nhật bản. Chính Ykope là người thầy dạy guitar đầu tiên cho cậu bé Tạ Tấn.Tiếng đàn lục huyền như hút hồn Tạ Tấn, cậu quyên cả công việc bố mẹ giao, dồn toàn bộ tâm sức vào học đàn. Với năng khiếu bẩm sinh, Tạ Tấn tiếp thu rất nhanh các ngón đàn của Ykope. Sau đó cậu tiếp tục theo học một thầy dạyguitar chuyên nghiệp người Philippines, rồi được trực tiếp tham gia vào ban nhạc của ông này, đi diễn và đệm nhạc khắp các vũ trường của Sài Gòn thời bấy giờ.
Năm 1944, Tạ Tấn từ Sài Gòn ra Hà Nội, cùng em là Tạ Đắc mở lớp dạy guitar tại 31và 60 Hàng Bồ, đồng thời chơi guitar cho các sàn nhảy ở Hà Nội.
Từ ngày 1/6 đến ngày 19/8/1945, Tạ Tấn tích cực tham gia các hoạt động của nhân dân Hà Nội tiến tới cuộc cách mạng Tháng Tám. Ngày 19/12/1946, khi hiệu lệnh toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ Tịch vang lên Tạ Tấn hăng hái tham gia tự vệ thành, thuộc trung đội một phố Hàng Bồ, đại đội Đông Thành, Liên khu một. Từ 1946 - 1947, ông theo học quân sự tại Sơn Tây. Sau đó với vốn ca đàn của mình, Tạ Tấn tham gia đội tuyên truyền ở huyện Mỹ Đức - Hà tây.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, Tạ Tấn cùng các nghệ sĩ Thủ đô đã có hai buổi trình diễn chào mừng Đại hội - Liên doanh văn công toàn quốc, vào hồi 15 giờ và 17 giờ 30 ngày 5 - 12 - 1954, tại Nhà hát lớn thành phố Hà Nội. Tiếng đàn guitar điêu luyện của ông đã làm lay động, say đắm tâm hồn yêu nhạc, yêu cách mạng của công chúng Thủ đô. Liên tiếp ông mở lớp dạy guitar cho bộ đội và dân quân tự vệ tại 22 Hàng Phèn, 14 Bảo Khánh. Ông còn mở một xưởng sản xuất đàn guitar, gồm hai mươi đến ba mươi công nhân, và một hiệu buôn bán nhạc cụ nổi tiếng tại 92 Hàng Trống.
Năm 1955, Tạ Tấn thuộc thế hệ những người đầu tiên thành lập Trường âm nhạc Việt nam, nay là Nhạc viện Hà Nội. Ông giảng dạy guitar cho nhiều cán bộ, học sinh miền Nam tập kết như Quốc Hương, Thành Lang, I-dơn (Tây Nguyên) tại số 3 Cao Bá Quát. Năm 1956, Trường âm nhạc Việt Nam chuyển về 32 Nguyễn Thái Học, Tạ Tấn giảng dạy lớp guitar bổ túc ngắn hạn, và sau đó lớp guitar khóa chuyên nghiệp đầu tiên 1956 - 1965. Năm 1959, ông đã hiến cho Trường âm nhạc Việt Nam một trăm sáu mươi hai mét vuông diện tích nhà 92 Hàng Trống và nhiều đàn guitar.
Nhạc sĩ Tạ Tấn hồi còn trẻ
Trong suốt ba mươi năm giảng dạy guitar tại Trường âm nhạc Việt Nam (1955 - 1985), có thể nói Tạ Tấn là người có công đầu đặt nền móng, sư phạm hóa dạy và học guitar tại Việt Nam. Ông viết sách, giảng dạy, sáng tác và biểu diễn, lĩnh vực nào cũng đóng góp to lớn. Là người đầu tiên biên soạn dân ca Việt Nam cho guitar; với mười tập Dân ca và ca khúc, hai quyển Tự học guitar được nhiều lần tái bản. Nhiều thế hệ guitarist do Tạ Tấn dùi dắt nay đã thành danh, như Trần Văn Thân, Ngô Đăng Quang, Nguyễn Lương Bích, Nguyễn Đức, Nguyễn Văn Di, Cao Hồng Sơn... Trong đó có Đặng Ngọc Long, đã từng giữ Phó chủ nhiệm Khoa guitar - Nhạc viện Berlin (CHLB Đức). Đặng Ngọc Long đã được giải thưởng đặc biệt trong cuộc thi quốc tế Villa - Lobos gồm ba mươi nước tham gia tại Hungaria, hai lần được bằng khen tại Italia và Tiệp Khắc (cũ). Trong lời giới thiệu một CD của Đặng Ngọc Long, Tiến sĩ âm nhạc Đức Kurt Shwaen đánh giá "Đặng Ngọc Long đã trình tấu xuất sắc các tác phẩm guitar kinh điển của Tây Ban Nha, một thể loại âm nhạc truyền thống bằng tất cả tâm hồn mình. Ngoài ra người nghe còn hiểu thêm các giai điệu của quê hương Việt nam, cùng các kỹ thuật trình tấu các tác phẩm hiện đại".
Tạ Tấn không ngừng tự học các bậc thầy guitar trên thế giới, như Tarega, Bartoli, Carcassi, Segovia, góp phần cùng nhiều tên tuổi guitar như Bùi Thế Dũng, Vũ Tá Hân, Phạm Văn Sửu, Hải Thoại, Vũ Việt Cường...truyền bá tiếng đàn huyền thoại của xứ sở cối xay gió và đấu bò tót vào Việt nam. Ông đã sáng tác các tác phẩm có tiếng Nhạc chiều, Tiếng sáo tình yêu, Vũ khúc Tây Nguyên, Vũ khúc Tây Ban Nha. Đặc biệt bản Lưu thuỷ (1962) được Huy chương vàng, đã sáng tạo một phương pháp lên giây mới cho guitar (Rê-Son-Si-Mi...). Ông cũng từng đi biểu diễn nhiều nơi trong nước và quốc tế, tại CuBa, Tiệp Khắc (cũ), Nga, Bulgaria, Hungaria, Ba Lan, Rumania...
Nhạc sĩ Tạ Tấn còn đam mê điêu khắc và hội họa. Ông là hội viên Hội mỹ thuật Việt Nam. Năm 1965, khi Trường âm nhạc Việt Nam sơ tán về Yên Dũng - Hà Bắc, với trí tưởng tượng phong phú và đôi bàn tay tài hoa, Tạ Tấn đã biến những gốc sắn cong queo nhiều hình hài thành các bức tượng có đời sống riêng sinh động. Cái độc đáo ở ngay trong chất liệu tạo hình, chủ đề bỡn cợt phỏng theo các truyện ngụ ngôn, những Nhạc công, Vũ nữ, hát chầu văn, Gảy đàn tính, Tiều phu gánh củi. Bức Thiếu nữ Thái Tây Bắc múa xoè được Huy chương vàng Hội hoa Xuân Hà Nội. Gần ba trăm bức điêu khắc, tượng gốc sắn và nhiều tác phẩm hội họa của Tạ Tấn đã được bày tại các cuộc triển lãm trong nước và quốc tế. Một số tác phẩm tạo hình của ông đã có địa chỉ sưu tập cá nhân, và được lưu giữ tại Bảo tàng mỹ thuật Việt nam.
Tạ Tấn nói "Chỉ khi nào đôi tay không còn hoạt động được nữa, tôi mới ngừng hoạt động nghệ thuật".
Hà Ánh Minh - Trang http://baicadicungnamthang.net