Songs of artist: Y Vân - page 10

Songs Chords Lyrics of artist: Y Vân - page 10

Y Vân

Y Vân
a few seconds ago0 Views 0 Bài hát

Y Vân (1933–1992) tên thật là Trần Tấn Hậu, là một nhạc sĩ tiêu biểu của nền Tân nhạc Việt Nam từ cuối thập niên 1950 đến 1990. Nhiều sáng tác của ông đã trở thành bất hủ và vẫn được trỉnh diễn bởi những ca sĩ hiện thời. 

Y Vân có nghĩa là "Yêu Vân", tên tiểu thư Tường Vân - người yêu đầu tiên của ông. Ông chọn tên này từ khi chuyện tình giữa ông và cô này tan vỡ. Một số ca khúc của ông đã được viết lên để nói lên tâm sự này: Đò nghèo, Ảo ảnh, Nhạt nắng....

Y Vân sinh năm 1933 tại Hà Nội (quê gốc ở Thanh Hóa). Thuở niên thiếu, ông từng theo học nhạc với Giáo sư - nhạc sĩ Tạ Phước và cũng đã tập tành sáng tác từ rất sớm. Mồ côi cha, nhà nghèo, cả nhà nhạc sĩ phải dắt díu nhau nương náu trong một túp lều xiêu vẹo ở ngõ chợ Khâm Thiên. Chính vì thế, ông rất thương mẹ và các em, ông phải đi dạy đàn để nuôi gia đình.

Năm 1952 ông vào Nam, tiếp tục sáng tác, chơi nhạc, hòa âm và dạy nhạc, ngoài ra còn viết sách dạy nhạc và đàn guitar. Ngoài ra ông còn là người đi tiên phong cho dòng nhạc nhẹ với những bài hát có giai điệu chachacha, disco, twist như: "Sài Gòn", "Ảo ảnh", "Sáu mươi năm cuộc đời", "Thôi".

Thời gian sau năm 1975, ông tham gia Đoàn ca nhạc Hương Miền Nam, rồi nhận viết nhạc cho nhiều nguồn: viết nhạc phim, nhạc nền cho sân khấu... Ông làm việc cật lực bất kể ngày đêm để tạo cuộc sống tương đối cho gia đình.

Nhạc sĩ Y Vân có 2 đời vợ và 8 người con. Con trai đầu là Tuấn Vũ, con gái thứ hai tên Thy Vân, con thứ ba tên Ngọc Tuyền, con thứ tư tên Thanh Hằng, con thứ năm tên Tấn Phong, con thứ sáu tên Kim Sa, con thứ bảy tên Ngân Hà và con thứ tám là Ngọc Tú. Ông mất vào ngày 28 tháng 11năm 1992 (tức ngày 05 tháng 11 năm Nhâm Thân - âm lịch). Hưởng thọ 60 tuổi (đúng như dự đoán của ông trong bài 60 năm cuộc đời).

Theo wikipedia.org

Thuở dừng chân trên bến Sài Gòn

Trong những nhạc sĩ quá cố mỗi ngày vẫn khơi dậy thương yêu cho chúng ta từ các ca khúc của họ, Y Vân là một trường hợp khiến tôi chú ý. Khi đời sống văn hóa cởi mở hơn, đủ để sự vùi lấp được lấp lánh lại và đủ để sự thiệt thòi được an ủi lại, thì nhạc sĩ Y Vân không còn trên đời mà nói về bao nhiêu góc khuất riêng tư.

1. Đôi lần tôi định phác thảo chân dung ông bằng chút chữ nghĩa khiêm tốn của mình, nhưng cứ day dứt suy nghĩ: cái lý lịch đáng tin cậy nhất và bền vững nhất của nhạc sĩ chính là những giai điệu thăng hoa từ tâm hồn, chứ không phải bất kỳ một lời hoa mỹ nào. Không thể nói khác hơn, giá trị ca khúc sẽ trực tiếp chứng minh nhạc sĩ ấy đã đến, đã trân trọng và đã ngoảnh lại tiếc nhớ cuộc sống này ra sao. Thế nhưng, đến một ngày gặp gỡ những người thân của nhạc sĩ Y Vân và được ngồi trong căn nhà nhỏ mà ông đã lặng lẽ sáng tạo đến giây phút cuối cùng trên cõi nhân gian, tôi quyết định viết về ông, dẫu dài dẫu ngắn hoặc dẫu sớm dẫu muộn cũng tỏ bày dăm ba niềm mến mộ của khán giả hôm nay dành cho tác giả nhiều ca khúc nức danh như “Lòng mẹ”, “Sài Gòn”, “60 năm cuộc đời”…

2. Xin nhắc lại, với di sản âm nhạc của nhạc sĩ Y Vân, ông không cần ai bênh vực cho mình trước sự bôi xóa nghiệt ngã của thời gian. Và cái lý lịch của Y Vân không chỉ đơn giản rằng: tên thật Trần Tấn Hậu, sinh năm 1933 tại Hà Nội, mất năm 1992 tại TP HCM. Lý lịch của Y Vân cần được hình dung bằng những tác phẩm của Y Vân. Tôi đến tư gia của ông không phải để dò hỏi tin tức mà để cảm nhận không gian đã chở che và nâng đỡ nhiều ca khúc ký tên Y Vân xuất hiện.

Y Vân qua nét vẽ của con trai trưởng. Ảnh: cand.com.vn

Trên bức tường ngay phòng khách trang trọng treo bức tranh chân dung Y Vân do người con trai trưởng của ông vẽ bằng chất liệu sơn dầu. Đó là một bức tranh chân dung chứa đựng nhiều rung động thẩm mỹ. Nhìn vào đấy có thể thấy một Y Vân tóc gợn sóng phiêu lãng, vầng trán gồ nghị lực, và đặc biệt là đôi mắt sắc u uẩn buồn. Dù người vẽ thêm vào nhiều nốt nhạc quanh khuôn mặt khắc khổ của ông, thậm chí khói thuốc bay vòng lên từ vành môi ông cũng biến thành khóa sol, vẫn không thể nào khỏa lấp được nét buồn cứ thăm thẳm trào ra đôi mắt. Cứ như cả tuổi thơ khốn khó của một cậu bé mồ côi cha, xuôi ngược cùng mẹ nuôi hai em trong một ngõ nhỏ ở phố Khâm Thiên – Hà Nội, đều dồn vào đôi mắt ấy. Y Vân qua nét vẽ của con trai trưởng. Cứ như cả chuỗi ngày mê mải cùng các ban nhạc vất vả ở các phòng trà kiếm tiền cơm vợ áo con đều dồn vào đôi mắt ấy. Cứ như cả chuỗi khuya khoắt lầm lũi ôm cây đàn guitare ký xướng từng nốt nhạc lên trang bản thảo nhọc nhằn, đều dồn vào đôi mắt ấy. Lạc trong đôi mắt Y Vân, tôi bỗng mường tượng bài hát “Buồn” xa vắng tri âm của ông: “Buồn như ly rượu đầy, không có ai cùng cạn. Buồn như ly rượu cạn, không còn rượu để say”.

3. Bà Trần Thị Minh Lâm, người gắn bó với quãng đời sau của nhạc sĩ Y Vân, lần giở những bản nhạc của ông được gìn giữ cẩn thận bằng vẻ mặt hồi tưởng rưng rưng. Từ khi ông khuất bóng, bà sống dưới ngôi nhà này giữa ngổn ngang kỷ niệm. Gần 20 năm đã trôi qua, nhưng ngôi nhà vẫn bày biện như thời ông còn tại thế. Với bà, hình ảnh ông không hề xa xôi hay cách biệt, có thể ông vừa ra ngõ mua một bao thuốc lá, có thể ông vừa đến phòng thu để hòa âm một ca khúc mới, và cũng có thể ông vừa đi thực tế sáng tác ở đâu đó.

Bà Trần Thị Minh Lâm giở lại di cảo của chồng. Ảnh: cand.com.vn

Bà Trần Thị Minh Lâm chính thức đến với nhạc sĩ Y Vân do… vợ trước của nhạc sĩ Y Vân trực tiếp đi hỏi cưới. Bên chiếc máy may nhỏ, mỗi ngày bà tận tụy từng mũi kim đường chỉ để làm điểm tựa cho ca khúc của Y Vân tiếp tục bay cùng năm tháng. Bà rạch tòi: “Y Vân viết khoảng 200 ca khúc, tui đã đi đăng ký bản quyền 136 bài. Mong ước lớn nhứt của tui là có thể in một tuyển tập ca khúc Y Vân thật đầy đủ!”. Trong ký ức của bà vẫn còn nguyên tấm lưng gầy gò của nhạc sĩ Y Vân bên ngọn đèn đêm âm thầm viết nhạc. Hơn ai hết, bà hiểu ông viết ca khúc và viết nhạc phim giữa cái xóm lao động nghèo trên đường Trần Huy Liệu, quận 3, TP HCM không chỉ bằng đam mê mà còn bằng trách nhiệm của một người chồng, người cha. Bà sinh cho nhạc sĩ Y Vân bốn người con, và đối xử thân tình với bốn người con của vợ trước một cách êm ấm. Cả bà và người vợ trước đều xác định rất rõ, họ đứng sau một người đàn ông tài hoa và lận đận. Họ cảm thông sâu sắc rằng, đôi mắt buồn của Y Vân những thời khắc lủi thủi cùng bóng tối có thể giúp người yêu nhạc ngày mai được rộn ràng theo giai điệu “Đêm đô thị”, được đắm đuối theo tiết tấu “Những bước chân âm thầm”, được xao xuyến theo khúc thức “Ảo ảnh”… Và họ cũng mở lòng chấp nhận cả những phút giây trái tim liêu xiêu của ông lúc thoáng gặp mỹ nhân nào đó lướt qua, vì khoảnh khắc ấy được chuyển thành sáng tạo run rẩy, dẫu là “Thúy đã đi rồi” hoài niệm hay dẫu là “Kim” nơi nào ngậm ngùi: “Cớ sao buồn vậy Kim? Cớ sao sầu vậy Kim? Ai thương em hơn anh mà tìm?”.

4. Ngày 28/11/1992, nhạc sĩ Y Vân vẫy chào cõi người khi vừa bước vào tuổi 60, đúng như ông tiên liệu “Em ơi, có bao nhiêu. Sáu mươi năm cuộc đời”. Tác phẩm cuối cùng của ông là ca khúc “Từ xa nghìn trùng” viết cho bộ phim “Người về từ nghìn trùng” của đạo diễn Lưu Bạch Đàn. “Từ xa nghìn trùng” viết theo điệu slow, tất nhiên Y Vân không thể theo dõi sức lan tỏa của ca khúc ấy, nhưng ca sĩ Phương Thảo thể hiện và những diễn viên tham gia bộ phim “Người về từ nghìn trùng” như Việt Trinh, Lê Tuấn Anh, Y Phụng, Nguyễn Huỳnh đều lấy tâm trạng gửi gắm trong lời hát “sao anh quay đi để em lạnh lùng” để làm cột mốc nhớ thương ông! Ngày tiễn Y Vân về một chốn mơ màng khác, tôi không biết có bao nhiêu nước mắt bẽ bàng. Tuy nhiên, tôi dám chắc, không có những giọt nước mắt nào xót xa bằng nước mắt “lá vàng khóc lá xanh” ở người mẹ ruột của nhạc sĩ Y Vân. Người mẹ ấy chính là nguồn cảm hứng dạt dào để nhạc sĩ Y Vân tuổi đôi mươi đã viết nên ca khúc “Lòng mẹ” ngọt ngào đến tận hôm nay và mai sau: “Lòng mẹ chan chứa trên bao xóm làng gần xa. Lòng mẹ dâng tới trăng ngàn đứng lặng để nghe”. Có nhiều giai thoại khác nhau về sự ra đời của ca khúc “Lòng mẹ”, nhưng chỉ có một điều mà ai cũng có thể nhận ra mỗi lần lời hát vang lên, đó là sự hiếu thảo của nhạc sĩ Y Vân. Sau khi để tang cho con trai được 10 tháng, người mẹ ruột của Y Vân chia biệt dương gian trong nỗi niềm thắm thiết: “Lời ru man mác êm như sáo diều dật dờ. Nắng mưa sớm chiều vui cùng tiếng hát trẻ thơ”.

5. Bên cạnh “Sáu mươi năm cuộc đời” và “Lòng mẹ”, một ca khúc nữa của nhạc sĩ Y Vân được trình diễn với tần số dày đặc là “Sài Gòn”. Theo tài liệu mà tôi có được, bản nhạc “Sài Gòn” được in lần đầu tiên vào tháng 8/1965. Với điệu chachacha, ca khúc “Sài Gòn” phô diễn sức sống của một thành phố phương Nam nhộn nhịp và hào phóng: “Dừng chân trên bến khi chiều nắng chưa phai. Từ xa thấp thoáng muôn tà áo tung bay”. Nhiều lần nghe ca sĩ trong nước cũng như nhiều ban nhạc nước ngoài hát lại “Sài Gòn”, tôi luôn từ sự trầm trồ chuyển sang sự ngạc nhiên. Phong cách âm nhạc của Y Vân thật khó nắm bắt, vì nơi ông cộng hưởng nhiều thẩm mỹ không gần nhau, đối lập nhau. Y Vân có thể thành công với điệu bolero, rumba nhưng cũng có thể thành công với điệu twist, rock. Vì vậy, nếu tổ chức một đêm nhạc Y Vân, hoàn toàn có thể dàn dựng hàng chục bài hát mang màu sắc khác nhau lôi cuốn khán giả từ đầu đến cuối! Và tôi tin, cũng đến một ngày nào đó, chúng ta sẽ hân hạnh công bố những ca khúc mà nhạc sĩ Y Vân đã sáng tác với tên thật Trần Tấn Hậu vào thập niên 80 của thế kỷ trước như: “Người con gái Việt Nam” phổ thơ Tố Hữu, “Người em sầu mộng” phổ thơ Lưu Trọng Lư, “Thề non nước” phổ thơ Tản Đà, “Một lần cuối” phổ thơ Nguyễn Bính…

Theo: Dongnhacxua