Bài hát của Đỗ Bảo - trang 5
Cảm âm, hợp âm, tabs những bài hát của nghệ sĩ Đỗ Bảo - trang 5
Đỗ Bảo
Nhạc sĩ Đỗ Bảo (born 1978) là một nhạc sĩ dòng nhạc trữ tình Việt Nam. Còn trẻ, Đỗ Bảo đã nổi lên trong làng ca nhạc với tài phối khí có màu sắc rất riêng. Album Nhật thực do Đỗ Bảo hoà âm vẫn được nhắc đến như một trong những đĩa nhạc được làm hoà âm hay nhất của nhạc Việt đại chúng. Và Đỗ Bảo được khen ngợi như là người biết hoá giải cái trúc trắc, khúc khuỷu đầy thách thức của Ngọc Đại và cái "lập dị" của Trần Thu Hà, quy tất cả những cái đó thành trường phái, phong cách, thể loại đàng hoàng
Đỗ Bảo sinh ngày 30 tháng 6 năm 1978 tại Hà Nội. Anh sinh ra trong một gia đình không có truyền thống nghệ thuật. Tuy nhiên, Đỗ Bảo được gia đình cho học nhạc từ nhỏ, học organ tại trường CĐ Nghệ thuật Hà Nội. Đến khoảng năm 1994 thì Hà Nội rộ lên phong trào mở vũ trường có nhạc sống, vốn là tay đàn khá điêu luyện nên được các đàn anh trong ban nhạc Phương Đông, một ban nhạc bậc nhất Hà thành, mời đánh cùng tại vũ trường Queen Bee, rồi ở nhiều nơi khác. Đến năm 1998, do đánh nhạc quá nhiều nên Đỗ Bảo bị quá tải, anh sợ nhạc, không nghe được nhạc và trầm cảm. Từ đó Đỗ Bảo còn được bạn bè trong nghề gọi với cái tên Bảo Điếc.
Khi còn trong trường Nghệ thuật Hà Nội, Đỗ Bảo thành lập ban nhạc dành riêng cho nhóm tứ ca Sao Mai. Sau này nhóm hát này không còn hoạt động chung nữa, ban nhạc do Đỗ Bảo thành lập vẫn tiếp tục hoạt động độc lập và vẫn giữ tên gọi Sao Mai. Ban nhạc Sao Mai đã tham gia rất nhiều chương trình lớn mang cấp quốc gia. Ngoài ra, Đỗ Bảo còn tham gia ban nhạc Jazz Âu Cơ của Trường Nghệ Thuật Quân Đội.
Trước khi được biết đến với tư cách là nhạc sỹ sáng tác, Đỗ Bảo đã nổi danh với tư cách là nhạc sỹ hòa âm hiệu quả cho album Nhật Thực. Nhưng thực ra, sáng tác của Đỗ Bảo đã được công bố từ trước đó khá lâu. Năm 1998, ca khúc Ngày tháng mong chờ do tam ca 3A thể hiện đã lọt vào top ten Làn sóng xanh. Năm 2000, ca khúc Bài hát cho em một ca khúc alternative rock được Trần Thu Hà biểu diễn rất thành công trong Gala 2000 và ca khúc này liên tục được khán giả yêu cầu tại các phòng trà thời điểm đó. Cũng trong thời gian này, Trần Thu Hà và Minh Quân cũng thường xuyên song ca ca khúc Cánh buồm đỏ thắm, Thu Phương và Huy MC cũng thu âm ca khúc này cho Saigon Audio.
Năm 2002, Đỗ Bảo mới thực sự được biết đến một cách rộng rãi. Anh tham gia hòa âm cho toàn bộ chương trình và album Nhật thực của Trần Thu Hà và Ngọc Đại. Chính Trần Thu Hà trong buổi phỏng vấn trực tuyến đầu tiên liên quan đến Nhật thực đã thừa nhận hòa âm của Đỗ Bảo chiếm tới 50% thành công cho album. Album Nhật thực gồm 7 ca khúc: Nghi ngại, Đừng hát tình ca du mục nữa, Phía ngày nắng tắt, Dệt tầm gai, Tiếc nuối, Ảo ảnh, Nhật thực (do 2 ca khúc Mơ và Tự tình bị bỏ nên 9 ca khúc dự kiến lúc đầu chỉ còn 7 bài, bài Cây nữ tu đã sửa và đổi tên thành Ảo ảnh). Nhật thực là một concept album, có nội dung kết cấu xuyên suốt từ đầu đến cuối. 7 ca khúc giống như 7 câu chuyện kể qua lời tâm sự của một cô gái đang yêu, những nghi ngại, tiếc nuối, day dứt, ám ảnh...
Kể từ khi ra mắt, Nhật thực đã gây được tiếng vang lớn bởi thứ âm nhạc mới lạ về cả ca từ, giai điệu, phong cách trình diễn lẫn phối khí. Chương trình đã trở thành một hiện tượng âm nhạc đặc biệt trong năm 2002, đánh dấu sự đổi mới trong phong cách âm nhạc và nghệ thuật trình diễn. Điểm đặc biệt là sự ra đời của Nhật thực đã định hướng khán thính giả biết quan tâm nhiều đến phối khí và đẩy mạnh việc phát triển ê kip âm nhạc ở Việt Nam. Nhật thực cũng đánh dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp âm nhạc của những người thực hiện nó, Đỗ Bảo, Hà Trần và Ngọc Đại.
Năm 2003, Đỗ Bảo tham gia hòa âm cho album Vào Đời của Hồ Quỳnh Hương và nhạc sỹ Hà Dũng.
Năm 2004, Đỗ Bảo ra mắt album đầu tay Cánh cung. Album được thực hiện khá cầu kỳ và quy tụ những giọng hát tốt nhất của Hà Nội: Trần Thu Hà, Ngọc Anh, Minh Anh – Minh Ánh, Tấn Minh, Quỳnh Hương, Lê Hiếu, Khánh Linh. 2 ca khúc "Điều ngọt ngào nhất" và "Cầu vồng đêm mưa" phải chuyển sang Mỹ cho Hà Trần thu thanh. Đỗ Bảo tâm sự: "Tôi làm CD này không phải nhằm đưa mình đứng về phía những tuyên ngôn nghệ thuật mà đơn giản là tâm niệm trong suốt sự nghiệp sáng tạo của tôi, một kẻ may mắn. Cánh cung của riêng tôi, là tuổi trẻ mà tôi đã và sẽ đi qua, để ngồi một mình trong ngày tương lai hoài nhớ. Nó chứa đựng sự lớn khôn của tôi, những chuyện tình nhỏ, cả những vấp váp, khuyết điểm của quãng đời trưởng thành của mình".
Cánh cung là một câu chuyện dài, trong đó mỗi bài hát lại đứng độc lập như một câu chuyện riêng. Đỗ Bảo chọn bài hát cho album của mình theo các tiêu chí, đầu tiên là lời ca phải dễ hiểu, dựa trên ý tưởng không xáo mòn, sau đó là giai điệu đẹp và không quá trúc trắc, âm nhạc càng có âm điệu gạn lọc từ dân gian càng tốt, quan trọng nhất nó phải thật tự nhiên, không hề gượng ép. Phần hoà âm và hình thức tác phẩm hài hòa với nội dung. Điểm cuối cùng là tổng thể của bài hát phải phù hợp với môi trường, điều kiện nghe nhạc phổ biến của phần đông công chúng, là đối tượng khán giả mà nhạc sĩ muốn hướng tới.
Năm 2006, Đỗ Bảo thực hiện chương trình thử nghiệm Gió Bình Minh nhằm khai thác và phục hồi âm nhạc dân tộc. Đây là chương trình phi lợi nhuận, Đỗ Bảo làm chỉ để thỏa mãn đam mê của mình với mong muốn tìm ra chất liệu sáng tác từ kho tàng âm nhạc dân tộc. Đỗ Bảo cũng là người tham gia hòa âm phối khí cho các cuộc thi âm nhạc Sao Mai, Sao Mai Điểm Hẹn 2004 & 2006, Bài hát Việt, Điểm hẹn âm nhạc, Hoa Hậu Việt Nam…. Đỗ Bảo cũng được bầu trọn là nhân vật Văn hóa của năm 2006 do VTV tổ chức.
Năm 2007, Đỗ Bảo cùng công ty riêng của mình Bảo Lý sản xuất album Bức thư tình thứ 3 (Tấn Minh), Những ô màu khối lập phương (Tùng Dương), Thế giới tuyệt vời (Nguyễn Ngọc Anh). Album Những ô màu khối lập phương đã dành giải Album của năm tại Giải thưởng Cống hiến. Trước đó, Đỗ Bảo cũng dành giải phối khí hiệu quả cho ca khúc Những ô màu khối lập phương tại giải Bài hát Việt.
Tháng 9 năm 2008, Đỗ Bảo cho ra mắt album riêng Cánh Cung 2 - Thời Gian Để Yêu. Album Thời gian để yêu là một album lãng mạn như phong cách đã quen thuộc của tác giả, album đánh dấu một giai đoạn sáng tác ca khúc của Đỗ Bảo kể từ sau khi album Cánh Cung 1 ra mắt năm 2004 với những lời ca mộc mạc tinh tế, giai điệu được hết sức chú trọng, bên cạnh những ca khúc nhẹ nhàng, thanh bình về tình yêu cũng có những ca khúc hết sức mãnh liệt. Thời gian để yêu là sự kết nối của nhiều cảm xúc khác nhau về tình yêu trong đó mỗi bài hát là một góc nhìn khác nhau trong những thời điểm khác nhau, chúng được đặt cạnh nhau như những trang nhật ký trong một cuốn nhật ký, các chương nằm trong một cuốn tiểu thuyết ngẫu nhiên được lật ra, những gì ghi ghép lại, viết ra trong suốt hành trình Yêu. Các sáng tác trong album được viết vào nhiều thời điểm khác nhau trong suốt 4 năm kể từ khi album Cánh Cung 1. Rất bất ngờ là sự góp mặt của 2 "diva" Thanh Lam và Hà Trần cùng xuất hiện trong album và họ đều "kể" những câu chuyện của Đỗ Bảo bằng giọng điệu của riêng mình. Nghe Đôi mắt xanh mà những tưởng Lam của thời 20 tuổi, trẻ trung, khao khát, nồng cháy mà cũng thật êm dịu và lãng mạn. Bất ngờ nữa là Hà Trần nồng nàn, tinh tế đến độ không còn cảm nhận được ranh giới giữa người hát và tác giả ca khúc. Như một sự đồng cảm kỳ lạ giữa ca sĩ và nhạc sỹ, một sự giao thoa bằng âm thanh và cảm xúc cuốn người nghe vào một không gian âm nhạc sang trọng, tinh tế nhưng vô cùng giản dị. Bài ca tháng 6 như một bức tranh đồng quê bình yên với những điều gần gũi nhất của cuộc sống. Câu trả lời lại giống bức hoạ tả thực, thật đến từng chi tiết, như những đối thoại thường nhật của cuộc sống vợ chồng. Điều xuyên suốt album là khái niệm Thời Gian Để Yêu "mở", mỗi người có thể có những đón nhận và có những cảm xúc riêng khi thưởng thức sản phẩm này. Một lần nữa, Đỗ Bảo thực hiện một album nhạc Pop như cách anh gọi album của mình, tuy có thể coi album này là một sự cộng hưởng của ngôn ngữ nhạc pop pha trộn với phong cách nhạc jazz và nhạc cổ điển, đây cũng là cách thức riêng của Đỗ Bảo khi mà trước đây anh đã từng nhắc tới một phong cách Pop của riêng mình (Bảo Pop).
Theo wikipedia.org